Cố Hòa thượng thuộc dòng Lâm Tế thứ 44, húy thượng Nguyên hạ Ý, tự Phước Châu, hiệu Hải Đăng, thế danh Hoàng Văn Ngọc, sinh vào giờ Mão, ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thân (15/4/1944) tại làng Trà Trì, xã Hải xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Hoà Thượng con thứ ba trong gia đình có sáu anh chị em, gia đình nhiều đời thâm tín Tam Bảo lại có cố Hoà Thượng Thích Chánh Trực là người anh thúc bá nên ngài sớm có được thiện duyên gần gủi với chốn Thiền môn, có nhiều túc duyên với Phật Pháp, nên chuyện xuất gia đã ươm mầm từ thuở nhỏ.
Sớm kết duyên với Tam Bảo, nhân ngày Rằm tháng tư năm 1956, theo chân Hòa thượng Thích Chánh Trực lên chùa Phật học Quảng Trị, tham yết Trưởng lão Hòa thượng Trừng Hóa – Hưng Dụng và được phép lưu trú ở đây gần một năm, sau đó lại lên đường vào Huế tham yết Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, Giám đốc Phật học đường Trung Việt, trụ trì Tổ đình Báo Quốc xin đầu sư xuất gia học đạo và được Ngài hứa khả.
Với bản chất hiền hòa, hiếu học, năm 1964 được thọ Sa Di giới với Pháp tự là Thích Phước Châu. Từ đó ngày càng tinh tấn trong việc tu trì, bồi dưỡng đạo hạnh nên Hòa thượng được Bổn sư tâm đắc và đặt nhiều kỳ vọng. Xuất phát từ đó, năm 1968 – Hòa thượng được phép Bổn sư cho thọ giới Tỳ kheo tại giới đàn Phước Huệ (Phật học viện Hải Đức – Nha Trang), trong thời gian này Hòa thượng là một cộng sự đắc lực cho ban quản trị Phật Học Viện với chức vụ Thư ký, Quản Chúng.
Trong tinh thần hoằng hóa độ sanh của người xuất gia “thừa Như Lai sứ, hành Như Lại sự” với bản chất năng nổ, dấn than bất từ bi nguyện, Hòa thượng đã không từ nan mọi Phật sự khó khăn. Năm 1988, do nhu cầu Phật sự tỉnh nhà Quảng Trị (lúc bấy giờ là huyện Triệu Hải, tỉnh Bình Trị Thiên) đặc biệt là Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang , Hòa thượng Trụ trì lại cao tuổi, nơi thờ tự lại xuống cấp nghiêm trọng, nhân sự địa phương lại quá ít ỏi, thiếu thốn trăm bề, sau chiến tranh để lại muôn vàn khó khăn cho tỉnh nhà, Hòa thượng trở về quê hương sau lời mời của Ban đại diện Phật giáo huyện Triệu Hải, tỉnh Bình Trị Thiên và Ban Quản trị Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang.
Thời điểm khó khăn nhiều mặt: Nhân tâm thế đạo, khí hậu khắc nghiệt, cái nóng của xứ gió Lào, cái lạnh tê buốt của mùa đông tháng giá, Hòa thượng vẫn luôn nở nụ cười hoan hỷ chăm lo Phật sự, ban lời kinh tiếng kệ, trao truyền giáo lý cho Phật tử; việc làm tuy hết sức bình thường nhưng rất thiết thực hữu ích với đời, lợi lạc cho đạo.
Năm 1990, tỉnh Quảng Trị được tách rời từ tỉnh Bình Trị Thiên; Đại hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất và thành lập Ban trị sự; Hòa thượng được suy cử vào Phó Ban Thường trực Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Hướng dẫn nam nữ Phật tử.
Điều ưu tư lớn nhất của Hòa thượng là việc tái thiết ngôi Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang mà cũng là ưu tư của chư tôn đức Tăng Ni sinh quán tại Quảng Trị ở khắp mọi vùng trời. Nếu ai đã từng chứng kiến hình ảnh của Hòa thượng qua bộ nâu song lặn lội trong công việc kiến tạo, nhắc nhở nhân công ắt sẽ lưu lại mãi hình ảnh ấy. Trong suốt cuộc đời hành đạo, Ngài đã đem hết tâm lực, trí lực phục vụ cho Giáo hội.
Thuận lý vô thường, vào ngày 06 tháng 10 năm Bính Tuất (26/11/2006), Ngài xã báo thân, trụ thế 63 tuổi, tròn 38 hạ lạp. Bảo tháp của Ngài được tôn trí tại Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang.
Ngài ra đi để lại bao nỗi tiếc thương vô hạn trong long Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà cũng như trong và ngoài nước.
Nam Mô Lâm Tế chánh tôn tứ thập tứ thế, huý thượng Nguyên hạ Ý, tự Phước Châu, hiệu Hải Đăng, Hoàng công Hoà Thượng Giác Linh.