Thân thế:
Cố Hòa thượng Đạo hiệu Thích Chánh Trực
Thế danh: Hoàng Văn Trung; Húy Thượng Tâm Hạ Trung
Sinh năm: Tân Mùi (1930)
Nguyên quán: Làng Trà Trì, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Thân phụ là cụ ông Hoàng Thuật; Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Lương.
Song thân của Hòa thượng sinh hạ được 4 người con (2 trai, 2 gái). Hòa thượng là con thứ hai; Anh cả đã xuất gia, là Đại đức Thích Từ Trí, đệ tử của Trưởng lão Thích Hưng Dụng (Phật tử thường thân kính gọi Ngài là Hòa thượng Thích Lương Bật). Do bệnh duyên, Đại đức đã quá vãng. Ngày giỗ của Đại dức được tổ chức hằng năm vào ngày mồng 5 tết, tại chùa Tỉnh Hội, Quảng Trị..
Đạo nghiệp:
Mặc dầu là người con trai duy nhất còn lại trong gia đình. Nhưng do lòng kính mộ Phật Pháp và tâm nguyện cầu đạo không thối chuyển của Hòa Thượng
( lúc thiếu thời). Nên song thân đã thuận ý cho Ngài xuất gia, quy y làm đệ tử của Trưởng lão Thích Hưng Dụng tại chùa Tỉnh Hội Quảng Trị. Trưởng lão đã từ bi tiếp nhận và thế độ cho Ngài Đạo hiệu Thích Chánh Trực.
Năm 1953, Ngài được bổ xứ Phật sự tại tỉnh Đồng Nai Thượng, sau này đổi tên thành tỉnh Tuyên Đức và nay là tỉnh Lâm Đồng. Tại đây Hòa thượng đã xây dựng chúa Linh Thắng thuộc huyện Di Linh. Sau đó, đã hai lần Hòa thượng về Huế để cung chú ngôi tượng Bổn Sư Thích Ca bằng đồng và ngôi đại hồng chung thỉnh lên thờ tại chùa Linh Thắng. Thinh âm của đại hồng chung đã ngân vang rung động khắp chốn núi rừng hoang vu làm tỉnh thức sinh linh và lưỡng lợi hai cỏi âm dương. Cố Hòa thượng đã thành lập đơn vị GĐPT đầu tiên tại chùa Linh Thắng . Sau này đã phát triển ra khắp huyện Di Linh.
Năm 1960, Cố Hòa thượng được chuyển về tỉnh Thừa Thiên, đãm nhiệm chức vụ Phó ban Hoằng pháp kiêm Đặc ủy Thanh niên phụ trách quản lý, điều hành các tổ chức : Gia Đình Phật Tử, Thanh niên Phật tử, Sinh viên Phật tử, Học sinh Phật tử, Hướng đạo Phật giáo.
Do chính sách hà khắc đàn áp Phật giáo của chế độ độc tài họ Ngô, năm 1963 cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng Tôn giáo, tôn trọng Giáo kỳ Quốc tế của Tăng , Tín đồ Phật giáo đã diễn ra khắp nơi, đặc biệt tại thành phố Huế. Cố Hòa thượng là người tham gia tích cực, không ngại gian lao, bắt bớ tù đày. Hòa thượng là người luôn sát cánh bên Ngài Trí Quang- Linh hồn của cuộc đấu tranh. 8 năm đảm nhận Phật sự tại tỉnh Thừa Thiên, Cố Hòa thượng đã tận tụy hy sinh phụng sự đạo pháp và đã truyền thọ Tam quy, Ngũ giới cho hằng ngàn Phật tử.
Năm 1968, Hòa thượng trở về quê hương Quảng Trị với bộn bề Phật sự của tỉnh nhà, trên cương vị Chánh Đại diện Tỉnh giáo hội Phật giáo (Nay là Trưởng ban Trị sự). Hòa thượng đã chăm lo điều hành chu đáo, cẩn trọng trong mọi công việc. Trong thời buổi chiến tranh, mọi việc đều rất khó khăn và nguy hiểm, Hòa thượng đã luôn bình tỉnh, khéo léo vận dụng để mọi Phật sự được hanh thông, thành tựu và đã xây dựng thành công nhiều công trình phúc lợi như: Trường Trung học Bồ Đề Quảng Trị ( Hiện nay vẫn còn di tích), nhà thuyền 3 tầng tại chùa Tỉnh Hội, Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi ( cuộc chiến năm 1972 đã san phẵng).
Sau năm 1975, hòa bình đã được lập lại, nhưng đời sống gặp muôn vàn khó khăn. Hòa thượng cùng cố Hòa thượng Thích Ân Cần trú tại Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang hằng ngày cuốc đất, nhặt cỏ trồng khoai, trồng sắn độ nhật mà lo toan Phật sự của tỉnh nhà.
Năm 1990, Hòa thượng đã tổ chức Đại hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị thành công. Đây là cơ duyên cho các đơn vị cơ sở (kể cả Giáo hội và GĐPT) phục hồi sinh hoạt ổn định, và ngày càng phát triễn..
Năm 1991, Hòa thượng khởi công xây dựng lại chùa Tỉnh Hội Quảng Trị, (ngôi chùa đã bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn). Đến khi ngôi chùa đã được xây dựng hoàn tất, chưa kịp tổ chức lễ khánh thành, Hòa thượng đã lâm trọng bệnh, Phật tử vô cùng thương kính đưa Ngài vào Huế để điều trị và tĩnh dưỡng, nhưng bệnh hiểm khó qua, Ngài đã an nhiên viên tịch lúc 11 giờ ngày mồng 5 tháng 3 năm Ất Hợi (1995), trụ thế 66 tuổi. Tháp mộ của Cố Hòa thượng được tôn trí trang nghiêm tại Tổ đình Kim Tiên, Thành phố Huế.
Đệ tử xuất gia của Cố Hòa thượng khá đông, Như Hòa thượng Thích Giác Quang, HT Thích Giác Mãn, HT Thích Giác Đạo, HT Thích Giác Qủa (đã viên tịch), HT Thích Giác Viên, TT Thích Giác Chơn, ĐĐ Thích Giác Trí. đều là những bậc phẩm hạnh cao đẹp và đầy đủ năng lực, hiện đang đảm nhận các trọng trách của Giáo hội.
66 năm trong một đời người chưa phải là dài, nhưng với đức từ bi rộng lớn, chí phụng đạo cao vời. Hòa thượng đã luôn gần gủi, thương yêu, dìu dắt các hàng Phật tử như tình cha con. Đặc biệt đối với GĐPT, Người luôn dành sự quan tâm, chỉ giáo, dỏi theo từng bước trưỡng thành của đàn con áo Lam. Vì đạo pháp nói chung và vì sự phát triễn của Phật giáo tỉnh nhà mà Hòa thượng đã chẵng quản lao nhọc, tận tụy hy sinh cả cuộc đời. Sự ra đi của Ngài là nỗi đau không thể nguôi ngoai, là sự mất mát không thể có gì bù đắp được đối với Tăng, Ni, Phật tử Quảng Trị.
Tưởng niệm Ân sư cao cả, chúng con chí thành đãnh lễ nguyện cầu Giác linh Hòa thượng vĩnh hằng an nhiên nơi miền Tịnh cảnh. Cúi xin Ngài từ bi chứng giám và hoan hỷ lượng thứ cho những điều vụng về, khiếm khuyết của chúng con khi mạo muội sơ lược đôi nét về cuộc đời cao cả của Ngài.
NAM MÔ GIÁC LINH ÂN SƯ HÒA THƯỢNG
Phật tử TÂM BÔI – Trần Trọng Ánh
(Tham khảo tư liệu: Danh Tăng Quảng Trị, VVbsite Phật giáo Quảng Trị)