Đức Phật ra đời vì hạnh phúc của số đông. Đại lễ Phật đản năm Ất Hợi (10/05/1935) do Hội An Nam Phật học tổ chức rất quy mô hoành tráng tại đất Thần kinh. Trong đoàn rước Phật, Ban Tổ chức đã cho tuổi trẻ lần đầu tiên tham gia Phật sự một cách rất dễ thương, trẻ trung và cuốn hút, 52 em nhỏ được đồng phục trong bộ áo mũ “Mã Tiên”, vai gắn đèn hoa sen, vừa đi vừa hát điệu Đăng đàn cung “Vui mừng gặp ngày nay mồng 8 tháng tư…”. Hình ảnh này đã thôi thúc niềm ưu tư của các bậc trí giả Phật giáo thức thời quan tâm vấn đề tuổi trẻ với Phật giáo.
Trong Phật giáo có đủ món ăn ngon cho người lớn, có bình sữa ngọt cho trẻ thơ, các vị tiền bối nghĩ như thế nên muốn cho hàng con em tin Phật có được chỗ đứng vững vàng trong Phật giáo, được hưởng hương vị thơm ngon trong giáo lý đức Phật, được sinh hoạt vui chơi trong khung trời Phật giáo, chứ không chỉ hạn hẹp đơn lẻ, biết lẽo đẽo theo mẹ, theo bà lên chùa lễ Phật.
Ngày 10/08/1938, trong diễn văn khai mạc Đại hội thường niên của Hội An Nam Phật học, bác Chánh Hội trưởng Lê Đình Thám đã dõng dạc tuyên bố: “Không có một thành tựu vững bền nào lại không nhắm đến hàng ngũ thanh thiếu niên, họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai…”.
Hai năm sau, mùa thu năm 1940, Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục ra đời với sự bảo trợ của Hội An Nam Phật học và sự hướng dẫn trực tiếp của nhà Phật học: Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Ban đầu Đoàn gồm có các anh: Phạm Hữu Bình (đoàn trưởng), anh Đinh Văn Nam (đoàn phó), anh Ngô Điền (thư ký), anh Đinh Văn Vinh, anh Ngô Thừa, anh Võ Đình Cường, anh Nguyễn Hữu Quán, anh Nguyễn Khải, anh Lê Kiểm, anh Phạm Quy, anh Hoàng Ngọc Phu, anh Lê Đình Duyên, anh Ưng Hội, anh Tráng Thông, anh Lâm Công Định…
Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục lúc bấy giờ là tượng trưng cho một đạo Phật rất “mới”, rất “trẻ”. Đoàn đã tổ chức “Phật học tùng thư” và xuất bản rất nhiều sách Phật giáo, trong đó có các cuốn: “Thanh niên Đức Dục” (của Đinh Văn Nam), “Phật giáo và thanh thiếu niên Đức Dục” (của Phạm Hữu Bình), “Đời vui” (của Ngô Thừa), “Nghĩa chữ Nho” (của Nguyên Hữu Quán), “Ánh đạo vàng” (của Võ Đình Cường)… Những tác phẩm văn hóa này nhằm xây dựng phong trào thanh niên học Phật. Các đoàn viên thanh niên Phật học Đức Dục chia nhau đến các chùa, Niệm Phật đường gom góp các nhóm Đồng ấu lại, tổ chức thành Đội, Đoàn, tập cho các em hát, tụng kinh, làm việc thiện và sống theo các hạnh lành.
Lễ Phật đản năm 1944 tại đồi Quảng Tế – Huế, các đơn vị thanh niên Phật học, Hướng đạo Phật giáo, Đồng ấu Phật học… họp đại hội và khai sinh tổ chức Gia đình Phật hóa Phổ, tiền thân Gia đình Phật tử ngày nay.
Bốn Gia đình Phật hóa Phổ đầu tiên được thành lập tại Huế là Gia đình Tâm Minh, Tâm Lạc, Thanh Tịnh và Sum Đoàn do các bác Lê Đình Thám, Phạm Quang Thiện, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Hữu Tuân làm Phổ trưởng và các anh trong đoàn thanh niên Phật học Đức Dục phụ trách hướng dẫn sinh hoạt. Gia đình Phật hóa Phổ đã lớn mạnh theo từng bước phát triển của các Khuôn hội, Niệm Phật đường, tỏa ra các tỉnh miền Trung cao nguyên và lan dần đến cả hai miền Nam Bắc.
Tại Thuận Hóa (Huế) vào những ngày 24, 25, 26 tháng 04 năm 1951 Đại hội Gia đình Phật hóa Phổ họp tại chùa Từ Đàm gồm đại biểu 9 tỉnh miền Trung: Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Viên, Bình Thuận, Dran, Đồng Nai Thượng và Hà Nội, Hải Phòng. Từ Đại hội này, danh xưng “GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM” được thay thế cho Gia đình Phật hóa Phổ và một bản Nội quy trình cũng được ra đời từ đây. Anh Võ Đình Cường, Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật hóa Phổ Thừa Thiên được cử giữ chức vụ Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Tổng hội Trung phần.
Năm 1953, Hội nghị Gia đình Phật tử lần thứ hai được triệu tập cũng tại Huế, với đầy đủ các đại biểu của 3 miền Trung, Nam, Bắc để soạn thảo chương trình tu học cho các ngành, các cấp, thống nhất hình thức, tổ chức, đồng phục, huy hiệu, phù hiệu… Dư âm của Hội nghị này như một làn gió mát mang hương sắc tinh khiết của vạn đóa sen thơm từ miền Hương Ngự theo dấu chân tiền nhân Nam tiến. Tại Sài Gòn, Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Nam Việt được thành lập dưới sự bảo hộ của Hội Phật học Nam Việt, Anh Tống Hồ Cầm được Hội cử làm Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Nam Việt năm 1954, rồi sau đó như sen mùa Hạ, các Gia đình Phật tử nở rộ: Gia đình Chánh Giác (Chợ Lớn), Gia đình Chánh Minh (Gia Định), Gia đình Chánh Thọ (chùa Vạn Thọ Sài Gòn), Gia đình Chánh Đạt (chùa Từ Nghiêm Sài Gòn), Gia đình Chánh Nguyên (Sài Gòn), Gia đình Chánh Nghiêm (Thủ Đức), Gia đình Chánh An (Thủ Thiêm), Gia đình Chánh Hòa (Cầu Kè), Gia đình Chánh Thiện (Biên Hòa), Gia đình Chánh Tâm, Chánh Đẳng (Cần Thơ), Gia đình Chánh Trí (Vĩnh Long), Gia đình Chánh Định (Bạc Liêu), Gia đình Chánh Tiến (Trà Vinh), Gia đình Chánh Đức (Sa Đéc), Gia đình Chánh Huệ (Trà Ôn), Gia đình Chánh Dung (Long Xuyên), Gia đình Chánh Kiến, Chánh Pháp (Vũng Tàu) và và một số gia đình mới thành lập chưa chính thức. Tại các tỉnh, mỗi Gia đình Phật tử đều có một vị Thầy cố vấn giáo lý, ở Sài Gòn có quý Ngài Thiện Hoa, Thiện Hòa, Thiện Định, Thanh Từ, Trí Hữu, Huyền Vi… làm cố vấn.
Tại Hà Nội, Hội Việt Nam Phật giáo Bắc phần thành lập thêm Gia đình Phật tử Minh Tâm, sinh hoạt tại chùa Quán Sứ dưới sự hướng dẫn của các anh Nguyễn Văn Nhã, Văn Đình Hy. Anh Nguyễn Văn Nhã sau này là Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT Bắc Việt.
Qua 9 lần đại hội 1951 – 1973, Gia đình Phật tử Việt Nam đã từng bước trưởng thành trong lòng các Giáo hội đương nhiệm, từ 4 Gia đình Phật hóa Phổ đầu tiên tại Huế lên đến 812 Gia đình Phật tử thuộc 48 tỉnh thành tại miền Nam, với 7.200 Huynh Trưởng và 72.600 Đoàn sinh (theo báo cáo của Đại hội năm 1973 tại Đà Nẵng). Gia đình Phật tử đã hoàn chỉnh về tổ chức, có nội quy ổn định, có đường hướng giáo dục khế cơ, có châm ngôn điều luật và cách chào nhau đã hoàn hảo mà mãi cho đến ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị ban đầu ấy.
Năm 1970 – 1973, Gia đình Phật tử thành lập Ban Bảo trợ và cựu Huynh Trưởng hoạt động song hành để hỗ trợ cho tổ chức Gia đình Phật tử.
Trong công cuộc bảo vệ Đạo pháp, Gia đình Phật tử đã không ít máu, nước mắt và cả thân mạng phải hy sinh. Trên hàng Thánh Tử Đạo có đủ các thành phần của Gia đình Phật tử: Gia trưởng Hoàng Thuyết, các Huynh Trưởng Phan Duy Trinh, Phan Gia Ly, Đào Thị Yến Phi, Nguyễn Thị Vân, Đào Thị Tuyết, Nguyễn Đại Thức và các đoàn sinh Đặng Văn Công, Dương Viết Đạt, Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Thị Phúc, Lê Thị Kim Anh, Trần Thị Phước Trị, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Huyền Tôn Nữ Tuyết Hòa, Quách Thị Trang và rất nhiều Huynh Trưởng, Đoàn sinh Gia đình Phật tử ở miền Nam bị bắt bớ giam cầm, đánh đập đến chết hoặc mang thương tật suốt đời vì lựu đạn a xít; những người làm việc có lương thì bị cách chức, thuyên chuyển, lao lý tù đày, sa thải… Tất cả đã nói lên được lòng trung kiên bảo vệ chánh pháp và lý tưởng Gia đình Phật tử Việt Nam.
ngày đất nước được thống nhất do hoàn cảnh lúc đó còn nhiều khó khăn, nhân sự phân tán nên sinh hoạt Gia đình Phật tử tại một số nơi có phần khựng lại nếu không muốn nói là bế tắc.
Trước tình hình đó, những người có trách nhiệm với Gia đình Phật tử đã ngồi lại với nhau để “Tìm cách cho Gia đình Phật tử được sinh hoạt đều đặn và có hiệu quả, phù hợp với tình hình mới của đất nước và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Sau cuộc họp lịch sử ngày 19/10/1997 tại Thiền viện Vạn Hạnh (TP.HCM), một bản thông báo mang theo 5 chữ ký của: Hòa thượng Thích Minh Châu và 4 Huynh Trưởng cấp Dũng: anh Võ Đình Cường, anh Tống Hồ Cầm, anh Nguyễn Xuân Quyền và anh Nguyễn Châu được gửi đến toàn thể Huynh Trưởng và Đoàn sinh Gia đình Phật tử Việt Nam.
Nội dung bản Thông báo có 5 điểm (nguyên văn):
“1. Sinh hoạt Gia đình Phật tử nhằm đào luyện Thanh Thiếu Đồng niên thành những Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội. Sinh hoạt này, trước đây đã đạt được những thành quả tốt đẹp nay cần phải được tiếp tục phát huy.
2. Từ ngày được thành lập, Gia đình Phật tử luôn luôn sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của một tổ chức Phật giáo được Nhà nước chấp thuận, như Hội An Nam Phật học, Hội Phật học Nam Việt, Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Nay sinh hoạt của Gia đình Phật tử cần được thực hiện trong khuôn khổ pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
3. Một số ít điều trong Nội quy và Quy chế Huynh Trưởng của Gia đình Phật tử cần được tu chỉnh cho phù hợp với Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
4. Huynh Trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử cần chung sức chung lòng cùng nhau đẩy mạnh sinh hoạt Gia đình Phật tử để đóng góp vào sự nghiệp chung của Phật giáo và đất nước.
5. Gia đình Phật tử cần tranh thủ để được sự quan tâm giúp đỡ cụ thể của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong các sinh hoạt.”
Cũng trong năm này, Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IV diễn ra tại Hà Nội, Gia đình Phật tử được chính thức công nhận, ghi vào Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Chương V Điều 19, nay là Điều 21).
Năm 1998, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập các Ban Hướng dẫn Phật tử từ Trung ương đến các Tỉnh, Thành. Ngành Cư sĩ Phật tử do Chư Tăng trực tiếp lãnh đạo, ngành Gia đình Phật tử do Huynh Trưởng điều hành theo chủ trương đường lối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Lúc này trong thành phần Huynh Trưởng cốt cán của Gia đình Phật tử, một số đã đi xa, một số không tham gia, số còn lại vì tin tưởng vào tiền đồ của Đạo pháp Dân tộc và tính bất biến của tổ chức nên đã tùy duyên “Y giáo phụng hành” để cho Gia đình Phật tử được tồn tại hợp pháp và phát triển đúng mục đích.
Tại Tổ đình Từ Đàm Huế, ngôi chùa có dấu ấn lịch sử Gia đình Phật tử (1951, 1963), vào những ngày cuối tháng 7 năm 2001 đã diễn ra 3 sự kiện lịch sử trọng đại: Lễ kỷ niệm 50 năm GĐPTVN (1951 – 2001), Hội nghị Huynh Trưởng cấp Tấn để tu chỉnh Nội quy GĐPT cho phù hợp với Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và luật pháp Nhà nước, khai mạc Trại huấn luyện Huynh Trưởng cấp ba Vạn Hạnh II (2001 – 2005). Sau đó, hàng trăm trại huấn luyện Huynh Trưởng sơ cấp, cấp một, cấp hai được các tỉnh thành liên tục tổ chức để đào tạo lớp Huynh Trưởng trẻ kế thừa.
Năm 2003 theo đề nghị của hai Huynh Trưởng cấp Dũng Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, sáng lập viên GĐPTVN, cố vấn Phân ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN thành lập Hội đồng xét xếp cấp Dũng cho 5 Huynh Trưởng: Nguyễn Thắng Nhu, Nguyễn Đức Châu, Lê Bá Chí, Trần Hạp và Nguyễn Văn Quýnh. Lễ trao cấp hiệu được thực hiện tại Hội nghị kỳ 2 khóa V của Trung ương Giáo hội dưới sự chứng minh của Đại Tăng 2 Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và 46 tỉnh thành trong cả nước, đánh dấu một bước trưởng thành của GĐPT trong lòng GHPGVN.
Cuối tháng 07 năm 2005, Trại huấn luyện Huynh Trưởng cấp ba Vạn Hạnh II khai khóa năm 2001 đã tổ chức trọng thể Lễ bế mạc tại trại trường chùa Trúc Lâm Huế, dưới sự chứng minh của Chư Tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh thành. 268/290 Huynh Trưởng cấp Tín thuộc 17 tỉnh thành sau 4 năm học tập, vượt qua 4 kỳ khảo sát (2001 – 2005) đã được cấp Giấy Chứng nhận hoàn thành chương trình bậc Lực – Trại Vạn Hạnh II. Đây là trại huấn luyện Huynh Trưởng cấp cao nhất của GĐPT (đào tạo Huynh Trưởng hướng dẫn cấp tỉnh thành) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1973.
Năm 2006 Hội nghị Đại biểu Huynh Trưởng GĐPTVN họp tại thành phố Hồ Chí Minh để tu chỉnh nội dung chương trình tu học của GĐPT, khai khóa học Huynh Trưởng bậc Lực – Trại Vạn Hạnh III (2006 – 2010) và trao huy hiệu cấp Tấn cho 94 Huynh Trưởng đủ điều kiện.
Năm 2007, Trại họp bạn ngành Thiếu toàn quốc sau 47 năm chờ đợi đã được tổ chức quy mô hoành tráng tại chùa Linh Ứng – Bãi Bụt – Sơn Trà – Đà Nẵng.
Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2007 – 2012 tại Hà Nội công nhận Trưởng ngành Gia đình Phật tử là Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, một lần nữa xác định vị trí của GĐPT trong tổ chức GHPGVN.
Gần 60 năm qua, theo định luật vô thường, tổ chức Gia đình Phật tử cũng có thịnh suy, có ly hợp. Nhưng trong cái biến thiên vần vũ ấy, Gia đình Phật tử vẫn luôn luôn khẳng định mình để tồn tại và vươn lên trong mọi hoàn cảnh; thuận duyên cũng không tự mãn, buôn lung; nghịch duyên cũng không nản lòng oán thán. Đã biết Gia đình Phật tử hình thành trong giai đoạn đất nước còn điêu linh, nền tín ngưỡng dân tộc đang bị kỳ thị, thế mà quý Ngài lãnh đạo đã tìm ra được cái “thịnh” trong cái “suy”. Gia đình Phật tử hôm nay vẫn giữ cái “thịnh” của mình, đó là cái bất biến, là đường hướng giáo dục, chức năng giáo dục. Từ đường hướng giáo dục ấy, Gia đình Phật tử đã đào tạo một đội ngũ huynh trưởng trong sáng, nhiệt tâm, là những người đã trọn đời sống đúng theo chánh pháp và phụng sự chánh pháp. Cao quý hơn nữa, GĐPT cũng đã nâng cánh cho bao Huynh Trưởng và đoàn sinh ưu tú thành những vị hảo tâm xuất gia.
Gia đình Phật tử đã có những cống hiến đối với Đạo pháp và Dân tộc; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nền luân lý đạo đức xã hội. Đội ngũ Huynh Trưởng áo lam đã sinh hoạt khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, từ miền biển lên tận biên giới Tổ quốc, xa xôi hẻo lánh để hướng dẫn, xây dựng đời sống đạo đức cho con em thành những con ngoan trò giỏi, thành những Phật tử chân chính, những công dân mẫu mực.
Ngày nay, đất nước hòa bình độc lập, tự do tín ngưỡng được tôn trọng, Phật giáo Việt Nam đang trên đà phát triển, GĐPT cũng đã sinh hoạt ổn định khắp các tỉnh thành phía Nam và đang phát triển ra các tỉnh thành phía Bắc theo chỉ đạo của Trung ương Giáo hội.
Phân ban Hướng dẫn GĐPT TW GHPGVN