Ngày nay, do nhu cầu học tập, việc làm hầu hết thanh niên ở các vùng nông thôn sau khi học hết chương trình Phổ thông Trung học đều tìm đến các Đô thị lớn –Nơi có nhiều trường Đại học, Cao đẵng và có nhiều khu công nghiệp phát triển, trong đó có không ít Huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT.
Những đoàn viên áo Lam sau một thời gian được sống, sinh hoạt, tu học trong môi trường GĐPT họ đã gắn bó, yêu mến và cảm nhận GĐPT là tổ ấm, là gia đình thứ hai của đời mình. Mỗi khi vì một lý do nào đó phải rời xa, anh chị em đều cảm thấy trống vắng, nhớ nhung. Nhớ những kỷ niệm vui buồn, nhớ mái ấm nhà Lam nơi mà chính họ đã được lớn lên trong tình yêu thương nồng thắm, được rèn giũa kỹ năng, tô bồi phẩm hạnh để trở thành những con người chân chánh có ích cho đạo, có lợi cho đời. Tất cả những tình cảm đó đã hằn sâu trong mỗi con tim của những người đoàn viên GĐPT. Để rồi mỗi khi phải rời xa mái ấm nhà Lam họ lại khát khao được quay về với những ký ức, những kỷ niệm đẹp của một thời ở quê nhà. Khát khao được tiếp tục sinh hoạt, tu học và cống hiến phụng sự tổ chưc GĐPT. Xuất phát từ tâm niệm đó, nhiều năm nay tại một số thành phố lớn như: Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đã hình thành một mô hinh sinh hoạt “Vườn Lam”. Khởi nguồn từ một nhóm đoàn viên GĐPT Quảng Trị đang học tập, làm việc tại các Thành phố đã hẹn hò gặp mặt kết thân tại một số địa điểm công cộng để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời ở quê nhà, trao đổi kinh nghiệm sống, kỹ năng công việc và chia sẽ cùng nhau những khó khăn trong đời sống xa quê. Trong những lần gặp mặt họ không quên nói về những câu chuyện của GĐPT, và lắm lúc câu chuyện về GĐPT lại trở thành chủ đề chính trong những buổi gặp mặt của anh chị em. Như dòng sông bắt nguồn từ khe suối, như ngôi nhà được khởi đầu từ những viên gạch móng nền. Những ý tưởng đầy thiện tâm, thiện chí đó dần dần đã lan tỏa và ngày càng kết nối được nhiều Lam viên. Các buổi gặp mặt ngày càng đông hơn, chương trình , chủ đề của những buổi gặp mặt ngày càng được sắp xếp và chuẩn bị chu đáo hơn. Và tất nhiên, các địa điểm công cộng như công viên, hàng cây ven sông….không còn phù hợp với những buổi gặp mặt có tính tổ chức của những người đoàn viên áo Lam nữa. Một ngôi chùa có đía chỉ thuận lợi, có điều kiện tốt cho việc tổ chưc sinh hoạt, tu học và được sự yêu thương đùm bộc, chở che của chư Tôn đức tại Bổn tự là tâm nguyện của anh chị em. Lành thay, tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế mỗi nơi anh chị em đã tìm kiếm được một địa chỉ như mong đợi. Chùa Hải Quang tại TP Hồ Chí Minh do Thương tọa Thích Đạt Đức Trụ trì; Chùa Nam Hải tại TP Đà Nẵng do Đại đức Thích Huệ Tánh Trụ trì; Và tại Huế có Tổ đình Kim Tiên do Hòa thượng Thích Giác Đạo Trụ trì đã trở thành tổ ấm tình thương, ngôi nhà tâm linh lý tưởng cho những người con áo Lam Quảng Trị xa quê đang sống, học tập và làm việc tại các Thành phố đó. Ở những nơi này, được sự thương yêu, chở che và tạo mọi điều kiện thuận lợi của các vị Ân sư, việc tổ chức các buổi sinh hoạt, tu học của anh chi em Lam viên được thuận lợi hơn nhiều. Và để cho con thuyền Lam rời xa bến cũ không bị lạc lối, sai đường, anh chi em đã đề bạt tâm nguyện lên Ban Hướng dẫn PB GĐPT Quảng Trị. Sau một thời gian đắn đo, cân nhắc xét thấy việc tổ chức sinh hoạt, tu học của anh chi em Lam viên đồng hương Quảng Trị tại một số Thành phố phía Nam là nhu cầu chánh đáng và phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế. Nếu được tổ chức tốt và được sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của BHD thì đây chính là điều kiện thuận lợi để anh chị em Lam viên xa quê không bị gián đoạn sinh hoạt, tu học, rèn luyện kỹ năng, trau dồi phẩm chất đạo đức, tiếp tục phụng sự lý tưởng GĐPT. Chính vì vậy, BHD PB GĐPT Quảng Trị đã quyết định cho thành lập các Liên đoàn với tên gọi: “Liên đoàn GĐPT đồng hương Quảng Trị tại Huế-Đà Nẵng- TPHồ Chí Minh”. Năm năm qua, mặc dầu ở xa quê nhà nhưng được sự thương yêu đùm bộc của chư Tôn đức ân sư; Với tình thương yêu và tinh thần trách nhiệm của BHD PB GĐPT tỉnh nhà đối với đoàn viên của mình và tinh thần thiện chí của những người con áo Lam xa quê cùng với sự áp dụng sáng tạo những phương tiện truyền thông hiện đại BHD PB GĐPT Quảng Trị đã kết nối mọi sự quản lý, điều hành và hướng dẫn thường xuyên đến các Liên đoàn. Nhờ vậy, việc tổ chức sinh hoạt, tu học của các Liên đoàn ngày càng ổn định, nề nếp, số lượng đoàn viên tham gia ngày càng đông. (Mặc dầu số lượng đoàn viên thường biến động, do hằng năm các Liên đoàn đều tiếp nhận thêm đoàn sinh mới là các em sinh viên mới vào nhập học tại các trường và tiễn đưa các đoàn viên là sinh viên đã tốt nghiệp đi tìm việc làm ở nơi khác). Tuy vậy, hầu hết các đoàn viên khi vào tham gia sinh hoạt tại các Liên đoàn đều được tiếp tục tu học theo chương trình bậc học của mình và đến mùa Hè lại trở về quê nhà để dự thi vượt bậc và tham dự các khóa trại huấn luyện tương ứng. Ngoài ra, tại các Liên đoàn đều đã tổ chức được nhiều hoạt động bổ ích như: Làm công tác Phật sự để hổ trợ Bổn tự trong việc xây dựng nhà chùa , phục vụ việc tổ chức lễ lược, tổ chức các hội thi để nâng cao kiến thức Phật pháp và kỹ năng chuyên môn cho đoàn sinh, tổ chức các buổi công tác từ thiện, bán hoa trong những ngày lễ để kiếm tiền làm quỹ sinh hoạt và giúp đỡ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn v v… Nêu lên một cách khái quát về những thành quả mà các liên đoàn GĐPT đồng hương Quảng Trị tại các Thành phố đã gặt hái được trong 5 năm qua là một sự thật rất khách quan để khẳng định tính hiệu quả của mô hình sinh hoạt này. Trong điều kiện đoàn viên GĐPT xa quê hiện nay đa phần là sinh viên, thời gian đầu mới vào nhập học, các em còn bao nhiêu công việc đời thường cần phải sắp xếp để được ổn định, việc tìm kiếm một đơn vị GĐPT nào đó để sinh hoạt là điều không dễ, bản tính các em ở độ tuổi 18,19 còn đang rụt rè, e ngại dễ gì hòa nhập được với những người chưa hề quen mặt, biết tên, nếu có chăng thì chỉ vài ba em đến xin sinh hoạt trong một đơn vị sở tại, rất khó để động viên và hổ trợ lẫn nhau và còn rất nhiều khó khăn trong điều kiện thực tế cũng như đời sống tâm lý nên ý tưởng đến gia nhập sinh hoạt tại một đơn vị sở tại là rất khó thực hiện. Người viết nghĩ rằng: Nếu được thống kê thì sẽ thấy rõ tỷ lệ đoàn viên GĐPT( không riêng Quảng Trị) khi xa quê , đến gia nhập sinh hoạt tại một đơn vị nào đó là rất thấp so với con số đoàn viên GĐPT từ các tinh vào các Thành phố lớn hiện nay. Qua nhìn nhận từ điều kiện thực tế và đánh giá một cách khách quan về những thành quả sinh hoạt, tu học mà các Liên đoàn GĐPT đồng hương Quảng Trị tại Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đã gặt hái được trong những năm qua, thiết nghĩ: Tại mỗi Thành phố, nơi có nhiều đoàn sinh GĐPT đến cư trú tạm thời cần tổ chức các liên đoàn đồng hương, mời những Huynh trưởng có cấp và có điều kiện sinh sống ổn định tại Thành phố đó làm trụ cột. Như vậy liên đoàn sẽ trở thành địa chỉ gần gũi nhất, dễ tìm kiếm nhất để anh chi em Lam viên xa quê tim đến .Đồng thời như vậy việc quản lý , theo dõi của BHD ở quê nhà để uốn nắn, động viên sự tu tập của huynh trưởng, đoàn sinh xa quê cũng dễ dàng và không bị gián đoạn..
Từ những nhận định trên, người viết nghĩ rằng: Những ai quan tâm đến sức sống của GĐPT thì nên động viên, khuyến khích, ủng hộ và nếu có thể thì hảy tạo điều kiện giúp đỡ cho các Liện đoàn GĐPT đồng hương được sinh hoạt ổn định và phát triển. Đồng thời kiến nghị BHD GĐPT các cấp cần nghiên cứu đẻ bổ sung vào nội quy hoặc ban hành văn bản quy định và hướng dẫn việc tổ chưc các Liên đoàn đồng hương (không riêng Quảng Trị) tại một số Thành phố lớn để anh chị em Lam viên được dễ dàng, thuận lợi trong việc tiếp tục sinh hoạt, tu học và phụng sự lý tưởng GĐPT.
Trọng Ánh
Mùa Đông – Mậu Tuất