I. DẪN NHẬP
Ở Bậc Sơ Thiện đã giới thiệu các hình thức báo tường được làm trên giấy cứng (giấy rô-ky) hay trên gỗ mỏng có khung hoặc nẹp để treo trên tường, được làm trên những tấm xốp hay gỗ mỏng gắn trên một chiếc chiếu nhỏ hay trên bức sáo nhỏ, được viết trên tấm bìa, gắn lên trên một cái nia, gắn trên tấm màn được căng trên khung tre với các kỹ thuật gút trang trí đẹp mắt,…
Về nội dung, không yêu cầu phải phong phú lắm, không đòi hỏi phải thật sâu sắc. Nhưng mỗi bài phải hàm súc một vấn đề giáo lý, hoặc nói lên được tinh thần GĐPT, hay phản ánh những khía cạnh sinh hoạt tu học của Đội, Chúng, Đoàn. Báo tường, mỗi tháng Đoàn cố gắng ra một tờ.
Báo tường cần chú trọng nhiều về hình thức, vì hình thức đập ngay vào trí của độc giả. Một tờ báo tường trình bày có mỹ thuật, màu sắc hài hòa, gây được cho độc giả những ấn tượng tốt khi thoạt nhìn đầu tiên. Ở Bậc Trung Thiện, tập viết và trình bày báo tường của Đội, Chúng.
II. TẬP VIẾT BÀI BÁO ĐỘI, CHÚNG, ĐOÀN.
Mỗi Đoàn sinh tự luyện tập một số đề tài đã được gợi ý hướng dẫn ở Bậc Sơ Thiện, nhắc lại như sau:
1) Viết bài tường thuật về một buổi sinh hoạt của Đoàn trong Gia Đình, mỗi đoạn tường thuật về sự thật đã diễn ra, em cần nêu cảm nhận riêng của mình để toát lên tinh thần sinh hoạt (Ví dụ khóa lễ Phật của buổi sinh hoạt là bài Phật pháp đầu tiên đã dần dần thấm sâu trong em,… trước Phật đài, em sám hối những lỗi lầm và hiện tại tự thân phải tu sửa, phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ,…), kể cả những nhận xét về những đáng tiếc đã xảy ra trong sinh hoạt của Đội, Chúng, Đoàn và mong rằng cùng nhau xây dựng Gia Đình,…
2) Viết mẫu truyện vui có thật trong Gia Đình, hay mẫu truyện vui tự sáng tác với dụng ý muốn góp phần đẩy lùi cái thói xấu, tuyên dương đức tính tốt.
3) Viết bài tùy bút cảm nhận về một đề tài theo chủ đề của tờ báo, ví dụ những đề tài sau:
+ Cảm niệm Ngày Đản Sanh của Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni; Hoa Ưu Đàm nở;…(Ngày Phật Đản).
+ Em là chiếc “Bông hồng” tặng mẹ; Tự thuật của chiếc hoa hồng trắng; Gương hiếu hạnh;… (Ngày Vu Lan).
+ Trung thu vui quá chị Hằng ơi; Cánh diều quê hương; Cánh đồng tuổi thơ;… (Ngày Trung Thu).
+ Bước nhảy của “Ngựa Kiền Trắc”; Giây phút bên dòng A-Nô-Ma; Đội (Chúng, Đoàn) em làm việc thiện; Hiến máu nhân đạo;… (Ngày Xuất gia, Ngày Dũng).
+ Nghĩ về “Hạnh” của Đoàn sinh Thiếu nữ trong hiện tại; Mẹ hiền Quán Thế Âm Bồ Tát;… (Ngày Hạnh).
+ Nguyện ước của em về chu niên của Gia Đình; Tròn năm sinh hoạt “tròn một niệm”;… (Ngày Chu niên).
+ Thành Đạo – sự kiện vô cùng đặc biệt; Phật – Người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời; Bài pháp đầu tiên;… (Ngày Thành Đạo).
+ Tâm xuân; Nụ cười Di Lặc; Xuân an lạc; Xuân về trên quê hương em;… (Xuân Di Lặc).
4) Tập làm thơ lục bát, gieo vần cho đúng niêm luật (như đã học ở trường phổ thông) về một trong các chủ đề nêu trên, cùng các bạn đoàn trao đổi sửa bài để bài thơ hay hơn.
5) Ngoài ra các em luyện tập làm phần tạp loại: Sưu tập lời Phật dạy (tìm trong Kinh Pháp cú,…), chuyện vui cười, đố vui, vẻ tranh vui, viết tin về sinh hoạt của Đội, Chúng, Đoàn,…
Chú ý: Bài viết phải tự mình sáng tác, không lấy bài của người khác làm của mình, không lấy bài của người khác có sửa đôi chút rồi cho là của mình. Bài sưu tập, trong phần sưu tập, phải ghi rõ xuất xứ (tác giả, sách, trang, nhà xuất bản, năm xuất bản).
III. TẬP TRÌNH BÀY BÁO TƯỜNG CỦA ĐỘI, CHÚNG, ĐOÀN.
1. Nội dung: Những mục thường có trên một tờ báo tường của Đội, Chúng, Đoàn:
– Tiêu đề trên tờ báo: Tên của tờ báo (tiêu đề lớn), các tiêu đề của các phần mục, tiêu đề của các bài viết,…
– Các phần mục: Văn (truyện ngắn, các bài cảm niệm về các ngày đại lễ, các bài viết về sự tu tập, giác ngộ giáo lý Phật Đà, các bài viết về tinh thần sinh hoạt trong Đội, Chúng, Đoàn, Gia Đình,…), thơ, tùy bút, phóng sự, tiểu phẩm hài (bằng câu chuyện), nhạc, lời Phật dạy,…
– Hình ảnh minh họa, tiểu phẩm hài (bằng tranh), nhạc (các sáng tác của Đoàn sinh, của Huynh trưởng), các họa tiết, hoa văn,…
2. Cách trình bày:
a. Phân chia các phần mục trình bày trên tờ báo:
Việc phân chia trên tờ báo tùy theo sự sáng tạo của người thực hiện, nhưng giữa các phần bài viết phải có một khoảng trống hợp lý để tạo sự thanh nhã, khoảng lặng, khoảng thở giữa các bài, kết hợp với tranh vẽ,…
b. Cách trình bày tiêu đề: Ở Bậc Hướng Thiện đã làm quen với cách trình bày tiêu đề, nhắc lại như sau:
Dùng những nét vẽ có “ý tứ” để trình bày cho một tờ báo tường hay báo viết tay, viết lưu bút ..vv.. sẽ gây ấn tượng cho người đọc.
Những tiêu đề cần sự trang trọng thì dùng nét chữ cứng hay còn gọi là “chân phương”:
Những tiêu đề của một bài văn, thơ, tùy bút … thì dùng nét chữ mềm:
c. Cách định dạng để viết một tiêu đề:
Ví dụ bài viết về chu niên của Gia Đình có tên:
Tròn năm sinh hoạt “trọn một niệm”
Có thể viết tiêu đề ở vị trí bài viết như sau:
Bước 1: Định dạng chiều dài, chiều cao, độ cong,…
Dự định chia làm 2 dòng, ở vị trí so le:
Bước 2: Chia số ô để viết chữ
Dòng số 1 chia thành 18 ô (15 chữ cái và 3 khoảng trống của dòng chữ “Tròn năm sinh hoạt”).
Dòng số 2 chia thành 13 ô (11 chữ cái và 2 khoảng trống của dòng chữ “trọn một niệm”)
Bước 3: Khéo léo viết chữ trên các ô đã chia
Bước 4: Xóa dấu các đường định dạng, tô màu chữ. Ta có tiêu đề phù hợp với vị trí của bài viết.
e. Màu sắc, chữ viết trình bày trên tờ báo tường:
– Tùy óc thẩm mỹ của Ban biên tập, màu sắc sử dụng không quá rờm rà, lòe loẹt. Màu sắc tạo điểm nhấn, giữ được sự trang nhã, hài hòa, trang trọng,…
– Chữ viết rõ ràng, đều, đẹp, cùng một màu mực. Tùy theo loại bài viết mà chọn kiểu chữ phù hợp với nó để tăng sự cảm nhận ở người đọc./.
Nguồn tin: Tài liệu tu học bậc Trung Thiện