GNO – “Trong thời đại của sự thiếu bao dung và bất công ngày càng lớn, thông điệp của Đức Phật về phi bạo lực và phục vụ chúng sinh trở nên cần thiết hơn bao giờ hết…”.
Đây là một trong những nội dung Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres gửi đi trong thông điệp về ngày Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm nay.
Vesak, ngày Trăng tròn của tháng 5 này là dịp thiêng liêng nhất đối với hàng triệu Phật tử khắp nơi trên thế giới. Đó là ngày mà cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, vào năm 623 trước Tây lịch, Đức Phật đã đản sinh trong hình thức của một vị Hoàng tử con của vua Suddhodana và Hoàng hậu Maya ở vương quốc Shakya ở Kapilavastu (Ca-tỳ-la-vệ). Ngày này, theo Phật giáo Nam truyền, cũng là ngày Đức Phật giác ngộ và nhập Niết-bàn.
Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết 54/115 vào năm 1999 đã công nhận Ngày quốc tế Đại lễ Vesak để ghi nhận sự đóng góp của Phật giáo, một trong những tôn giáo cổ xưa nhất trên thế giới, đã tồn tại hơn 2 thiên niên kỷ rưỡi qua và vẫn đang tiếp tục kiến tạo tâm linh của nhân loại. Ngày này được tưởng niệm hàng năm tại trụ sở chính và các văn phòng khác của Liên Hiệp Quốc.
Những lời dạy của Đức Phật và thông điệp của Ngài về từ bi, hòa bình và thiện lành đã làm rung động hàng triệu trái tim. Hàng triệu con người trên khắp thế giới thực hành những lời dạy của Đức Phật và trong Đại lễ Vesak, tất cả chúng ta tưởng nhớ sự đản sinh, thành đạo và nhập diệt của Ngài.
Thông điệp của cựu Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Javier Perez de Cuellar gửi đến Phật tử trong ngày Đại lễ Vesak tháng 5 năm 1986 có nội dung sau:
“Đối với Phật tử khắp nơi, thật sự là diễm phúc khi tưởng niệm sự đản sinh, thành đạo và nhập diệt của Đức Phật Gautama – để tôn vinh thông điệp về từ bi và sự tận hiến của Ngài đối với nhân loại. Thông điệp này hôm nay, có lẽ thiết thực hơn bao giờ hết.
Hòa bình, thấu hiểu và cái nhìn nhân bản thế chỗ cho những dị biệt quốc gia và toàn cầu là điều thiết yếu nếu chúng ta muốn thích ứng với sự phức tạp của thời đại hạt nhân.
Triết lý này cũng chính là trọng yếu của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và nên có mặt trong suy nghĩ của mỗi người chúng ta, đặc biệt là trong Năm Quốc tế về Hòa bình” – ông Javier Perez de Cuellar nhấn mạnh.