TRẠI TÂM MINH HỘI THẢO HUYNH TRƯỞNG TOÀN QUỐC NĂM 2015
– Kính thưa quý Huynh Trưởng Cấp Dũng.
– Kính thưa quý Huynh Trưởng Trại Sinh.
Vấn đề “Đổi mới sinh hoạt GĐPT” là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm duy trì sự ổn định và phát triển của tổ chức. Nhưng việc đổi mới như thế nào cho phù hợp với nhu cầu tuổi trẻ hiện nay, vừa đảm bảo được nền tảng giáo dục của GĐPT. Hôm nay, tại Hội Trại Huynh Trưởng toàn quốc này, chúng tôi xin được chia sẽ một số vấn đề mà mấy năm qua chúng ta đã đặt ra về đổi mới sinh hoạt. Đây là những trăn trở của người Huynh Trưởng GĐPT trước một xu thế xã hội ngày càng phát triển như hiện nay.
I. NHẬN ĐỊNH CHUNG: (Thực trạng GĐPT)
Năm 1975 đất nước hòa bình thống nhất, cả nước chuyển sang giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh và ổn định đời sống. Sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng nói chung trong đó có Phật Giáo bị trắc trở, khó khăn, GĐPT cũng chịu chung hoàn cảnh như vậy, nhân sự phân tán, Ban Hướng Dẫn các cấp mất khả năng quản trị điều hành nên sinh hoạt GĐPT ngưng trệ.
Mãi cho đến năm 1997 Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ IV GĐPT mới chính thức được công nhận ghi vào Hiến Chương GHPGVN. Kể từ đó cho đến nay sinh hoạt của GĐPT được ổn định và không ngừng phát triển. Và cũng đã thực hiện thành tựu nhiều Phật sự quan trọng về tu học, huấn luyện, văn hóa văn nghệ, hội trại. Tuy nhiên vẫn không theo kịp với đà phát triển của xã hội, có nhiều vấn đề đã xưa củ, lỗi thời không còn thích ứng với thời đại, với nhu cầu tâm lý tuổi trẻ.
Với thực trạng như hiện nay, GĐPT cần phải đổi mới như thế nào? Và đổi mới những gì để GĐPT đáp ứng được với nhu cầu của đoàn sinh hiện nay, nên chăng GĐPT cần phải đổi mới về 3 phương diện cơ bản đó là:
- Đổi mới nội dung sinh hoạt
- Đổi mới hình thức sinh hoạt
- Đổi mới tư duy Huynh Trưởng
Đây là những vấn đề căn cơ cần đổi mới để sinh hoạt của GĐPT phù hợp với xã hội, thích ứng với tuổi trẻ.
II. ĐỔI MỚI NỘI DUNG SINH HOẠT:
1. Nội dung chương trình tu học huấn luyện:
GĐPT là một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi tin phật thành phật tử chân chính góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội. Để đạt được mục đích cao cả ấy, GĐPT đã xây dựng cho mình một nội dung giáo dục lấy giáo lý đạo Phật làm nền tảng, lấy Bi Trí Dũng làm mục tiêu và lấy Giới Định Huệ làm kim chỉ nam, đồng thời kết hợp với các phương pháp giáo dục tiên tiến để xây dựng một nền giáo dục đặc trưng của GĐPT. Qua quá trình hoạt động, đúc rút kinh nghiệm, chúng ta đã từng bước tu chỉnh lại nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục để thích ứng với xã hội, phù hợp với điều kiện Huynh Trưởng Đoàn sinh. Trước yêu cầu đó, năm 2006 Hội Nghị Huynh Trưởng toàn quốc tại chùa Vĩnh Nghiêm TP Hồ chí Minh đã xác định phương hướng giáo dục bền vững cho GĐPT, đã san định lại nội dung tu học, huấn luyện, cắt giảm một số đề tài không còn thích hợp để giản lược chương trình. Như vậy, những năm qua chúng ta đã san định lại nội dung tu học huấn luyện phù hợp với tình hình sinh hoạt hiện nay.
2. Phương pháp hướng dẫn nội dung bài học:
Để đạt được hiệu quả cao của bài học, người Huynh Trưởng phải biết vận dụng phương pháp thích ứng với nội dung bài học, tùy theo từng bài học để áp dụng phương cách khác nhau như kể chuyện tranh; qua hình ảnh, kích thích trí suy nghĩ, quan sát của trẻ. Không áp dụng cách dạy lý thuyết nói suông từ đầu đến cuối như lâu nay đã làm.
3. Về Trại Huấn Luyện:
Nội dung chương trình các trại Huấn Luyện đã được san định vào năm 2006. Tuy nhiên, để trại sinh khi tốt nghiệp khóa trại có được những kiến thức, kỹ năng đầy đủ đúng với chức năng mà mục đích của trại đào tạo. Các traị Huấn Luyện cắt giảm tối đa các tiết lý thuyết, có thể yêu cầu trại sinh tự học ở nhà để dành thời lượng tại trại cho các tiết về kỹ năng điều khiển sinh hoạt, tổ chức, kỹ năng hướng dẫn bài… Các trại cấp II Huyền Trang cần cho trại sinh trực tiếp về đơn vị cơ sở để khảo sát thực tập tổ chức điều hành đơn vị, qua đó có thêm kinh nghiệm thực tế cho Huynh Trưởng. Có như vậy trại sinh mới có đủ bản lĩnh, tự tin khi trở về đơn vị mà không e ngại rụt rè.
III. VỀ TỔ CHỨC SINH HOẠT:
Thực trạng hiện nay các đơn vị GĐPT cơ sở, số lượng Đoàn sinh thường xuyên sinh hoạt hàng tuần là rất ít không đủ một Đội, Chúng, Đàn của một Đoàn và trong đó lại có nhiều bậc học khác nhau. Tình trạng này là một thực tế tại các đơn vị từ lâu nay, nguyên nhân chính yếu và chủ quan từ việc tổ chức sinh hoạt của chúng ta còn nhiều hạn chế mà chúng tôi xin được trao đổi mấy vấn đề sau:
- Môi trường sinh hoạt
- Nội dung sinh hoạt
- Loại hình sinh hoạt
- Công tác tổ chức, điều hành
- Về môi trường sinh hoạt:
GĐPT là một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi Phật giáo, có một nền giáo dục đặc trưng. Tuổi trẻ đến với GĐPT để thực hành một đời sống tinh thần an lạc và hướng thiện, có sự hướng dẫn, chăm sóc, yêu thương của Anh Chị Huynh Trưởng, cúng sự tương ái đoàn kết của bạn đoàn. Với ý nghĩa đó, GĐPT cần tạo một môi trường sinh hoạt thích hợp với tâm sinh lý của Đoàn sinh. Chúng tôi xin trao đổi mấy điểm sau:
a. Các đơn vị luôn thay đổi khung cảnh, địa điểm sinh hoạt bằng cách kết thân với các đơn vị lân cận trong khu vực để luân lưu sinh hoạt nhằm giao lưu học hỏi, giúp nhau tiến bộ trong học tập, tăng trưởng tình đoàn kết thân ái, đồng thời kích thích sự hào hứng thích thú của Đoàn sinh.
b. Người Huynh Trưởng GĐPT phải lấy tình thương làm chất liệu keo sơn, huynh Trưởng phải biết thương yêu trẻ, sẵn sàng giúp đỡ bảo ban các em với thái độ bao dung, thân ái, cảm thông và chia sẽ những buồn đau riêng tư để các em sinh hoạt vui vẽ.
c. Huynh Trưởng phải luôn liên hệ mật thiết với phụ huynh Đoàn sinh để nắm bắt thêm về hoàn cảnh tâm lý để hướng dẫn các em có hiệu quả, qua đây phụ Huynh có dịp hiểu hơn về hoạt động của GĐPT để hổ trợ động viên các em tham gia sinh hoạt, tạo cho Đoàn sinh phấn chấn, tin tưởng và hăng hái hơn trong sinh hoạt tu học.
- Về nội dung buổi sinh hoạt:
a. Nội dung sinh hoạt cần soạn bài ngắn gọn, đơn giản dể hiểu nhưng đầy đủ ý chính và kết hợp với chuyện kể, liên hệ với thực tế và hình ảnh minh họa cho nội dung bài học. Hảy áp dụng phương pháp “ Học mà chơi, chơi mà học” tạo không khí tin yêu vui vẽ, hứng thú. Tuyệt đối loại bỏ hình thức giảng dạy lý thuyết.
b. Những trò chơi nhỏ cần sưu tầm thêm có chọn lọc và nên “ Phật hóa trò chơi”, nghĩa là chuyển đổi nội dung tròi chơi có liên quan đến giáo lý để các em dễ nhớ, dễ tiếp thu, có tác dụng cao trong tu tập.
c. Các môn HĐTN, văn nghệ Huynh Trưởng cần phải thao tác thực hành nhuần nhuyễn và hướng dẫn các em bằng cách “ Bắt tay chỉ việc” và cho các em thực hành, tổ chức thi đua tại chổ như Gút, thủ công, tranh dán giấy, xếp giấy hình… có khen thưởng cho cá nhân khéo tay.
- Tổ chức các loại hình sinh hoạt:
Như phần đầu đã có đề cập, số lượng đoàn sinh các buổi sinh hoạt của các Đoàn thường quá ít, Huynh Trưởng cũng thiếu lại có nhiều bậc học khác nhau nên việc tổ chức một buổi sinh hoạt có chất lượng, hiệu quả tại một đơn vị GĐPT cơ sở là không thể. Nếu tổ chức sinh hoạt chung cho cả đơn vị thì bất cập vì có ngành Đồng, ngành Thiếu và thậm chí có cả ngành Thanh, thích hợp với ngành này thì phản tác dụng với ngành khác, nếu tách ra sinh hoạt riêng ngành thì số lượng quá ít ỏi, không khí sinh hoạt sẽ tẻ nhạt, nhàm chán.
Để thích ứng với tuổi trẻ, tạo sự hứng khởi thích thú ham học cho Đoàn sinh, đem lại hiệu quả cao trong sinh hoạt, tu học, phù hợp với phương pháp giáo dục GĐPT, chúng ta có thể tổ chức một số loại hình sinh hoạt sau đây:
- Sinh hoạt kết thân đơn vị:
Đây là hình thức sinh hoạt nhằm kết nghĩa giữa các đơn vị GĐPT, luân phiên thay đổi địa điểm sinh hoạt, hình thức này có những ưu điểm:
- Luôn thay đổi khung cảnh, môi trường, địa điểm sinh hoạt.
- Tạo sự hứng thú cho Đoàn sinh.
- Giao lưu trao đổi học hỏi lẫn nhau để nâng cao năng lực, kiến thức.
- Tạo sự đoàn kết thân ái giữa các đơn vị.
- Số lượng Huynh Trưởng Đoàn sinh các Ngành tăng lên, điều kiện sinh hoạt thuận lợi.
- Tinh thần đoàn sinh phấn chấn, hăng hái thích thú.
- Sinh hoạt liên kết theo ngành:
Ngoài sinh hoạt kết thân đơn vị GĐPT, còn có thể tổ chức sinh hoạt kết thân Ngành (Đồng, Thiếu, Thanh) giữa các đơn vị liền kề trong khu vực. Hình thức liên kết Ngành để sinh hoạt sẽ có số lượng Đoàn sinh tăng lên, dể dàng bố trí theo Bậc học được thuận lợi, không khí hào hứng đông vui, giao lưu kết thân thắt chặt tình Lam.
- Sinh hoạt dã ngoại, tham quan du lịch:
Là loại hình sinh hoạt có tác dụng hiệu quả cao về mặt hổ trợ học tập, tạo thêm phần sinh động, hấp dẫn phong phú hơn cho sinh hoạt GĐPT. Đây cũng là cách tạo cho Đoàn sinh mở rộng kiến thức, học hỏi thêm nhiều kiến thức, học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ trong thực tiễn xã hội. Chúng ta cần tranh thủ thời gian trong năm để có thể tổ chức sinh hoạt dã ngoại, tham quan… nhằm hổ trợ tích cực cho việc tu học nâng cao chất lượng giáo dục GĐPT.
- Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao:
Ngoài các hình thức sinh hoạt, tu học nêu trên, chúng ta cần có tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao nhằm kích thích đoàn sinh hoạt động vui khỏe về thể chất lẫn tinh thần. Cần chọn các bộ môn thích hợp với từng ngành như:
- Bóng chuyền nam, nữ cho Ngành Thanh.
- Bóng đá cho ngành Thanh, Thiếu.
- Bóng đá Mi ni cho Nam Oanh Vũ.
- Cầu lông bóng bàn…
Các hoạt động này nên cơ cấu thành giải thi đấu truyền thống tổ chức hằng năm cho các đơn vị hoặc Ngành hoặc các đơn vị phối hợp tổ chức, tùy theo điều kiện và quy mô các đơn vị để tổ chức cho phù hợp.
- Tổ chức điều hành sinh hoạt:
Các loại hình sinh hoạt đơn vị cơ sở có thể tổ chức nhưng cũng có nhiều loại hình sinh hoạt phải liên kết nhiều đơn vị, nhiều ngành, nếu như không có một mô hình, một bộ máy để tổ chức điều hành thì sinh hoạt đó khó thực hiện được. Vì vậy, để có thể chủ động tổ chức điều hành các buổi sinh hoạt liên kết này Ban Điều Hành GĐPT cấp Quận, Huyện, Thành Phố chủ động xây dựng kế hoạch và đôn đốc thực hiện.
Một đơn vị GĐPT cơ sở khó thực hiện được các loại hình sinh hoạt liên kết như vậy, do đó việc tổ chức nhân sự để tổ chức điều hành là phù hợp và thực hiện có hiệu quả.
IV. ĐỐI VỚI HUYNH TRƯỞNG:
Người Huynh Trưởng tham gia sinh hoạt đều xuất phát từ tâm nguyện phụng sự lý tưởng GĐPT, phục vụ đạo pháp và dân tộc. Huynh Trưởng là thành phần chủ chốt trong mọi hoạt động của tổ chức GĐPT. Tuy nhiên, hiện nay thành phần Huynh Trưởng đang tồn tại hai thế hệ, thế hệ đi trước đã già cả về tuổi tác, sức khỏe, tính năng động sáng tạo không còn nữa, khả năng hạn chế nên không đáp ứng được nhu cầu của Đoàn sinh. Thế hệ sau trẻ trung, năng động và được đào tạo gần đây, nhưng lại thiếu kinh nghiệm, bản lỉnh và thời gian sinh hoạt không nhiều vì bận bịu mưu sinh cho cuộc sống.
Như vậy, ai cũng biết Huynh Trưởng là thành phần mấu chốt trong mọi hoạt động của GĐPT, sự thành bại tùy thuộc vào Huynh Trưởng. Dù việc đổi mới sinh hoạt có hay, biện pháp có đúng đắn, có phù hợp cách mấy đi nữa mà Huynh Trưởng không có ý thức, không tự làm mới mình thì không thể có một kết quả tốt được.
Để thực hiện có hiệu quả việc đổi mới sinh hoạt GĐPT, đối với người Huynh Trưởng có mấy yêu cầu cần đặt ra đó là:
- Nâng cao nhận thức về Đổi Mới Sinh Hoạt:
– Huynh Trưởng phải ý thức rằng vấn đề đổi mới sinh hoạt không chỉ là giai đoạn trước mắt và chắc chắn có nhiều khó khăn. Người Huynh Trưởng phải trang bị cho bản thân một tinh thần nổ lực, chịu khó, kiên nhẫn và biết lắng nghe, luôn tìm tòi học hỏi để nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức xã hội để không bị tụt hậu.
– Đổi mói không có nghĩa là xóa bỏ cái củ thay vào cái mới, mà đổi mới chính trong cái củ mà ta đang có. Người Huynh Trưởng dù ở cấp nào, vai trò vị trí nào cũng phải tự làm mới mình, làm mới tư duy, suy nghĩ, thái độ phục vụ tích cực, trách nhiệm nhạy bén sáng taọ mới có thể đáp ứng được những yêu cầu của đổi mới sinh hoạt hiện nay.
- Đổi mới tư duy:
– Để có thể là động lực chính yếu thúc đẩy GĐPT tiếp tục ổn định và phát triển với xu thế thời đại. Huynh Trưởng lớp cao niên biết nhìn nhận về điều kiện, năng lực, tuổi tác không còn phù hợp với giai đoạn mới thì nên chuyển giao, nhường lại cho thế hệ Huynh Trưởng trẻ, thành phần này không ai khác chính là được các anh chị Huynh Trưởng lớp trước đào tạo. Được vậy, thì đây là một thái độ rất có trách nhiệm vì sự phát triển của GĐPT.
– Lớp Huynh Trưởng trẻ đầy nhiệt huyết, năng nổ, thích nghi với thời đại cũng chưa đủ, anh chị phải biết luôn tâm niệm tinh tấn làm tròn trách nhiệm, sáng tạo nhạy bén và phải biết tôn trọng những hy sinh cống hiến, những kinh nghiệm quý báu của Huynh Trưởng là “Anh cả, Chị đầu” để cho GĐPT tồn tại và phát triển như hôm nay.
Người Huynh Trưởng nhận thức đúng đắn và không xem đó như là một hành động “vắt chanh bỏ vỏ”, một sự đào thải mà đó là một hành động đầy trách nhiệm vì tương lai hưng thịnh của GĐPT.
V. KIẾN NGHỊ:
Để tạo điều kiện cho các đơn vị GĐPT đổi mới sinh hoạt có hiệu quả và đồng bộ, chúng tôi kiến nghị:
- Ban Hướng Dẫn Phân Ban GĐPT Trung Ương nên thành lập Ban chỉ đạo “Đổi mới sinh hoạt GĐPT” để có thể giúp đỡ hổ trợ cho các đơn vị địa phương trong các hoạt động liên quan.
- Ủy viên Văn Nghệ, Nghiên Huấn, Tu Thư phối hợp biên soạn, ấn hành các bài hát sinh hoạt, các trò chơi nhỏ… để phát hành cho các đơn vị.
- Hằng năm cần có tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị chuyên đề về “Đổi mới sinh hoạt GĐPT” để đúc rút kinh nghiệm hay, việc làm tốt để bổ sung cho các đơn vị.
*
* *
Trên đây là ý kiến chủ quan mang tính gợi mở chung quanh vấn đề “Đổi mới sinh hoạt GĐPT” với mong muốn chung nhất là làm cho GĐPT ổn định sinh hoạt và ngày càng phát triển hơn lên, xứng tầm là một tổ chức Giáo dục thanh thiếu nhi Phật giáo trong thời đại mới.
Ban Hướng Dẫn
Phân Ban GĐPT Quảng Trị