Với chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển của Đạo phật, toả sáng qua việc làm của tiền nhân, thiết thực lợi ích mỹ mãn cho đời. Đã nói lên kho tàng Pháp bảo mà Đức Phật để lại chẳng những soi sáng cho Đông phương mà cho cả toàn nhân loại, chẳng những phù hợp cho từng lứa tuổi mà cho mọi lứa tuổi, chẳng những cho từng thời đại mà cho mọi thời đại.
Đối trước những bức bách của thời đại, đạo Phật ngày nay đã tiếp nối được những con đường khai thông của các bậc tiền bối và trao cho đời những phương cách ứng xử phù hợp, lợi ích.
Chúng ta đã biết: Đức Phật đã phát hiện và tuyên bố rằng: mọi người đều có khả năng giác ngộ – “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Dù trong hoàn cảnh nào, dù ở đâu hay trong thời đại nào nếu khả năng ấy được đánh thức thì mọi cá thể sinh động, trong dòng chảy tương tục đều có thể đồng hành trên lộ trình tiến đến giác ngộ, giải thoát – con đường đi ra khỏi mọi trói buộc, mọi ách nô lệ, gồm cả sự nô lệ cho dục vọng của chính mình. Đó là con đường: “Bát chánh” đi ra khỏi Tham, Sân, Si, từng bước tự chủ. Tinh thần giải thoát Tham, Sân, Si còn một ý nghĩa tích cực khác: Vô Tham sẽ dập tắt hiện tượng tham nhũng của xã hội. Vô Sân sẽ dập tắt các vụ báo động, khủng bố, nổi loạn, dập tắt chiến tranh. Vô Si sẽ mở rộng con đường trí tuệ, sáng tạo để xây dựng xã hội.
Tuổi trẻ trong thời đại hôm nay – thời đại khoa học, kỹ thuật phát triển, văn minh vật chất đang ở đỉnh điểm. Nhưng cũng oái ăm thay thời đại chúng ta hôm nay cũng đang phải đối mặt với bao thảm trạng: Chiến tranh khủng bố, tham nhũng bất công, ma tuý bệnh tật, môi trường môi sinh bị tàn phá nghiêm trọng thì một giáo lý nhân bản của Đạo Phật há không phải là những cái mà con người nói chung, tuổi trẻ thời đại hôm nay nói riêng rất cần cho đời sống hay sao? Trong cuộc sống đang chao đảo bởi vật chất, đồng tiền đang lên ngôi, nhân loại, tuổi trẻ rất cần thăng bằng cuộc sống bằng đạo đức, triết lý, hành động của Đạo Phật để con người, xã hội được mãi thăng hoa phát triển.
Xin được nêu lên một vài sự kiện để xoá đi ngộ nhận rằng: “Khi xã hội phát triển về vật chất, tuổi trẻ đắm mình trong sự hưởng lạc thì họ cần gì những điều cao siêu trong Đạo Phật”. Cách đây gần một thế kỷ khi nền văn minh vật chất Tây phương tràn vào nước ta làm băng hoại nền đạo đức truyền thống của Dân tộc. Một số tâm hồn tuổi trẻ bạc nhược đã bị thui chột, tha hoá. Trong bối cảnh đó Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục – tiền nhân của GĐPT ra đời. Giới trẻ của Việt Nam đã nồng nhiệt đón nhận, phong trào lan toả rộng rải và nhanh chóng từ thành thị đến nông thôn, phát triển và tồn tại đến ngày nay.
Gần đây hơn tại đất nước Singapore, một đất nước phát triển được xếp vào hàng bốn con rồng châu Á và được quốc tế thừa nhận là một quốc gia phát triển đứng ngang hàng với một số nước phát triển nhất thế giới. Trong một xã hội phát triển như vậy, với tiện nghi vật chất đầy đủ, thu nhập bình quân đầu người cao, người ta dể nghĩ rằng: Người dân xứ này chỉ biết làm việc, vui chơi và hưởng thụ vật chất. Nhưng mới đây người ta đưa ra phát hiện thú vị khi làm một cuộc điều tra công phu: giới trẻ Singapore ngày càng đặt niềm tin vào Đức Phật và đi chùa nhiều hơn. Theo số liệu của liên đoàn Phật tử Singapore: chỉ trong vòng mấy năm trở lại đây số Phật tử dưới 40 tuổi đã tăng lên gấp đôi. Phần lớn các Phật tử trẻ tuổi này là người có trình độ Đại học, sau Đại học, Trung cấp, Cao đẳng, vv….
Nhìn qua các nước Âu, Mỹ hiện nay tại các trung tâm tu học của Phật giáo ở các nước này đa phần là lớp tuổi trẻ có tri thức hàng ngày đến đây tu tập. Phải chăng xã hội càng phát triển, con người sống trong đó cần có niềm tin và khao khát đi tìm niềm tin cho chính mình? Thực ra quay cuồng với các thú vui vật chất đời thường đến một lúc nào đó người ta cảm thấy bảo hoà và muốn nhàm chán. Hơn nửa những bế tắc vốn không hiếm xảy ra đối với họ trong đời sống hiện đại; và Đạo Phật đã trao cho họ những cái họ cần – sự bình an, thanh thoát trong tâm hồn mà không có một thú vui bình thường nào có thể mang lại cho họ.
Ngày nay đạo Phật đang được thế giới tiếp nhận và đang phát triển mà số người đến với đạo Phật phần đông là giới trẻ. Xét qua những sự kiện vừa nêu để nói lên rằng: Đạo Phật đã trao cho tuổi trẻ thời đại những cái mà họ đang rất cần ở Đạo Phật vậy.
Trong kho tàng giáo lý của Đạo Phật có rất nhiều giáo lý đáp ứng được nhu cầu tu tập, áp dụng trong đời sống hàng ngày của tuổi trẻ. Ví dụ: Để xây dựng con người cá nhân, kinh Nhất dạ Hiền giả đã dạy cách sống quân bình trong đời sống kinh tế, sức khoẻ, tâm lý, tình cảm,vv…Năm giới, mười điều thiện xây dựng đạo đức, luân lý, tạo nếp sống thuần lương an lạc ở hiện tại và tương lai… Về xây dựng con người xã hội, kinh Thiện Sinh (Trường A Hàm số 16) nói lên việc xây dựng tốt 6 mối tương giao trong xã hội. Tương giao giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa vợ và chồng, giữa cá nhân và bạn bè, bà con láng giềng, giữa chủ và thợ, giữa tu sĩ và cư sĩ. Kinh Tăng Chi chương bảy pháp đề cập đến bảy vấn đề làm cho một quốc gia, một xứ sở hưng thịnh. Chú giải kinh Pháp Cú nói đến một chính phủ tốt phải thực hiện đầy đủ mười điều gọi là: “Thập vương tử pháp”. kinh Chuyển luân Sư tử hống nói đến nguyên nhân là cho trộm cắp, đâm chém, các tệ nạn xã hội càng ngày càng tăng thêm và phương cách cải thiện xã hội ấy…
Với sự thật vi diệu thứ tư là sự thật của con đường đưa đến khổ diệt. Con đường được biết là con đường “Trung đạo” vì tránh hai cực đoan. Một là cực đoan tìm cầu hạnh phúc qua khoái lạc của giác quan, hai là tìm hạnh phúc qua sự khổ hạnh ép xác dưới nhiều hình thức. Trung đạo này được đề cập đến như là con đường Thánh tám ngành và tuổi trẻ cần học hỏi tu tập gồm:
– CHÁNH KIẾN: Là hiểu biết các pháp, bản chất, hiện tượng mọi sự vật
đúng như thật.
– CHÁNH TƯ DUY: Là chỉ những tư tưởng vị tha, vô tham, những tư tưởng tình thương, những tư tưởng bất hại trải khắp chúng sanh.
– CHÁNH NGHIỆP: Là nhằm đề cao một cuộc sống đạo đức đáng kính và an tịnh. Sống chánh nghiệp là từ bỏ sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất gây say.
– CHÁNH MẠNG: Là từ bỏ sự sinh sống bằng nghề nghiệp đem lại sự tổn hại cho người khác như: Buôn bán vũ khí, ma tuý, rượu, những loại chất độc, giết hại thú vật…
– CHÁNH TINH TẤN: Là ý chí cương quyết, gặp khó khăn, trở ngại không lùi bước, nghĩ đúng là làm ngay, không giải đãi, siêng năng cần mẫn, quyết tâm kiên trì cho đến thành công.
– CHÁNH NIỆM: Là sự chú tâm là rõ biết, nhớ đến và chú ý những hoạt động của thân và tâm.
– CHÁNH ĐỊNH: Là xa rời bất định, lắng dịu tâm tư.
Bát chánh đạo có thể quy nạp vào 3 môn vô lâu học: “Giới – Định – Tuệ. Từ sự giải thích ngắn gọn về: “Đạo” – con đường có tám ngành là một nếp sống, mọi cá nhân, mọi lứa tuổi nói chung, tuổi trẻ nói riêng rất cần thiết phải ứng dụng, tu tập trong đời sống hàng ngày. Đây là kỷ luật tự thân về thân khẩu ý tự phát triển, tự thanh lọc – Nó không liên hệ đến tính ngưỡng, cầu nguyện, thờ phụng hay nghi lễ. Trong nghĩa ấy nó không có gì có thể gọi là tôn giáo phổ thông. Nó là con đường dẫn đến sự chứng ngộ thực tại tối hậu, đến giải thoát, hạnh phúc, tịnh lạc hoàn toàn.
Tóm lại vói một hệ thống giáo lý nhân bản, với tinh thần vô ngã, vị tha. Đạo Phật là một nguốn sống sinh động, khế lý, khế cơ, ứng dụng thích hợp, cần thiết cho mọi căn cơ trình độ, mọi lứa tuổi, đối tượng, mọi nơi mọi lúc và sẽ đương nhiên tương hợp và rất cần thiết cho đời sống tuổi trẻ của mọi thời đại.
Là người Phật tử mỗi một chúng ta cần phải tích cực giới thiệu Đạo Phật đến với tuổi trẻ. Và mỗi một con người tuổi trẻ cần chọn cho mình một hình thái đạo Phật thích hợp nhất, cần thiết nhất và hữu ích thiết thực trong cuộc sống của mình. Các bạn tuổi trẻ hãy học tập, rèn luyện và tự chọn cho mình một hướng sống – một nghĩa sống và hãy dũng cảm chịu trách nhiệm những gì mình đã chọn lựa. Bởi vì: “Chúng sanh là kẻ thừa tự những hành vi của nó đã làm”. Đó là Đức Phật đã dạy. Cuối cùng xin dẫn thêm lời đức Phật dạy như một lời nhắn gửi thân tình: “Hãy là kẻ thừa tự chánh pháp của Như Lai, chứ đừng là kẻ thừa tự tài vật”.
Tâm Bằng