Kính thưa quý anh chị Huynh trưởng và các em đoàn sinh thân mến
“Bông hồng cài áo” là một lễ hội rất có ý nghĩa nhằm huân tập đức tính hiếu hạnh cho đoàn sinh GĐPT, đặc biệt là đối với các em ngành Đồng. Được nhiều đơn vị GĐPT tổ chưc hằng năm vào mùa Vu lan báo hiếu. Có những bài viết hay để làm lời dẫn cho chương trình, thì buổi lễ “Bông hồng cài áo” càng thêm sinh động và tạo nên những cảm xúc sâu sắc và ý nghĩa. Tuy vậy, hiện nay có một số đơn vị GĐPT vẫn đang lúng túng trong việc tổ chức, chưa có một lời dẫn để làm sườn cho chương trình Bông hồng cài áo. Tâm Bôi mạo muội giới thiệu bài viết này hầu mong anh chị em áo Lam có thể vận dụng để làm sườn cho chương trình Bông hồng cài áo tại đơn vị. Nếu xét thấy có đoạn nào chưa phù hợp thì có thể tùy nghi thêm, bớt, thay đổi cho phù hợp quý anh chị nhé.
Kính bach chư Tôn đức
Kính thưa quý cô bác, quý anh chị trưởng
cùng các bạn và cac em thân mến!
Hơn 2500 năm trước, trong hàng Đại đệ tử của Đức Phật có Ngài Mục Kiền Liên đại hiếu, sau khi chứng được sáu phép thần thông ngài đã thấy rõ cảnh giới địa ngục muôn vàn khổ đau. Ở nơi cảnh giới âm u đó, tội nhân đang chìm đắm,khóc gào với muôn vàn hành hình kỳ dị. Trong số tội nhân đó có thân mẫu của Ngài. Vì xưa kia đã gây nên bao ác nghiệp nên giờ đây bị đọa vào chốn địa ngục chịu những hình phạt khổ đau đến cùng cực, đói khát cơ hàn, muốn sống không sống được mà muốn chết cũng không chết được. Lòng xót xa thương mẹ biết chừng nào. Ngài Mục Kiền Liên đã dùng thần lực để đến bên mẹ dâng lên mẹ bát cơm, vì quá đói khát, mẹ Ngài vô cùng mừng rỡ, tay phải che lấy bát cơm,tay trái bốc cơm để ăn. Nhưng than ôi! nghiệp lực quá nặng nề.cơm vừa đưa lên miệng đã hóa thành than không thể nào ăn được. Thương mẹ, nước mắt đầm đìa chẵng biết làm sao. Ngài đành trở về bạch trình đức Phật thấu rỏ nguồn cơn, cầu xin đức Phật từ bi chỉ dạy phải làm cách nào để cứu mẹ thoát khỏi cảnh đọa đày muôn vàn khổ đau ở nơi địa ngục. Cảm thương tấm lòng đại hiếu của Ngài Mục Kiền Liên đức Phật dạy rằng: Nghiệp lực của mẹ con quá nặng nề, mặc dẩu con có thần thông,nhưng một mình con không thể thay chuyển nổi, đến ngày rằm tháng bảy là ngày tự tứ của chư Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, con hảy sắm đủ trăm thứ hoa quả tươi ngon để cúng dường, thỉnh cầu chư Tăng đồng tâm chú nguyện. may thay nghiệp lực của mẹ con mới hầu mong thay chuyễn. Vâng lời Phật dạy,Ngài Mục Kiền Liên đã băng ngàn vượt suối, tìm kiếm đủ 100 thứ hoa quả tươi ngon. Đến ngày chư Tăng giải hạ liền đến dâng cúng và thỉnh cầu hộ niệm. Quả nhiên đến ngày đó mẹ ngài cùng muôn vàn tội nhơn đều được dứt trừ vọng nghiệp, đồng đặng thác sanh vào cảnh giới tốt lành.Từ đó hình ảnh Ngài Mục Kiền Liên trở thành tấm gương sáng ngời hiếu hạnh và ngày rằm tháng bảy trở thành ngày hội báo hiếu truyền thống của người Phật tử
(Bài hát: Mục Kiền Liên cứu mẹ)
Hôm nay mùa vu lan lại về,toàn thể chúng con là Huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT ………….. thành kính ngưỡng nguyện mười phương Tam bảo, nguyện cầu hồng ân gia hộ cho bảy kiếp cha mẹ chúng con “còn tại thế thân tâm an ổn, phát nguyện tu trì, đã qua đời ác đạo xa lìa chóng thành Phật quả” và chúng con xin được soi mình dưới tấm gương đại hiếu của Bồ tát Mục Kiền Liên hầu mong báo đáp trong muôn một công ân cao dày của cha mẹ chúng con.
“Công Cha như núi Thái Sơn, nghĩa Mẹ như nươc trong nguồn chảy ra”
Ôi ! công cha cao cả vô cùng, dẫu Thái sơn cao cũng khó sánh được. nghĩa Mẹ sâu nặng biết chừng nào, dẫu đem một biểu tượng vật chất nào để so sánh cũng chỉ là tương đối. Từ bao đời nay đã có biết bao áng văn thơ tuyệt tác, bao lời ca điệu hò ví von và ngợi ca công cha nghĩa mẹ, nhưng thực ra không một ngôn từ nào tả hết, không có hình ảnh nào so sánh được ân nghĩa mẹ cha
“Ân cha nghĩa mẹ ” hai tiếng thiêng liêng đó chỉ có thể cảm nhận được ở nơi sâu thẳm tâm hồn của những tấm lòng hiếu tâm và chỉ có thể, thể hiện được phần nào nơi việc làm hiếu hạnh .
Đạo Phật là đạo hiếu, trong Tứ trọng ân đức Phật dạy ,ân cha mẹ được đặt lên hàng đầu ,trong 10 đức lớn mà cha mẹ đã dành cho con , trước hết là đức đại địa, cha mẹ đối với con ,như mặt đất rộng lớn bao la đã sinh ra muôn vàn cỏ cây hoa lá ,từ những vật thể nhỏ nhất đến to lớn hiện diện trên mặt đất , đều từ mặt đất mà sinh ra ,đất ôm ấp tất cả ,đất vỗ về tất cả ,đất chở che ,đất nuôi dưỡng ,đất bao dung không một lời kể lể để rồi đất lại hứng chịu bao rác rưởi bẩn nhơ không một lời than oán ,như mẹ hiền đã sinh ra con ,đã cho con tất cả và để mẹ phải chịu muôn vàn khổ nhọc ,hy sinh ,ân ấy ,nghĩa ấy biết làm sao kể xiết
“Bài hát: Lòng mẹ ”
“Mẹ,mẹ là lọn mía ngọt ngào ,mẹ là nải chuối buồng cau ,là tiếng dế đêm thâu là ánh đuốc soi đêm khi lạc lối”
Có thi sĩ đã viết nên rằng :
“Dẫu con đi suốt cuộc đời ,cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”
Trong lời ru ngọt ngào của mẹ ,ta cảm nhận vị mặn mồ hôi của cha ,trong miếng cơm con ăn ,trong áo quần con mặc ,trong từng trang sách vở con cắp tới trường và trong muôn ngàn nhu cầu sự sống của một kiếp người có lúc nào lạnh nhạt lời ru của mẹ , có lúc nào khô cạn mồ hôi của cha . Mẹ cha đã cho con tất cả ,tất cả để con ôm trọn gói hành trang ước vọng vào đời. Cảm nhận về cha ,niệm tưởng về mẹ hình ảnh thiêng liêng và cao quý ấy là niềm diễm hạnh vô biên của mỗi kiếp người bởi rằng: “Còn cha gót đỏ như son, mai kia cha mất chân con lấm bùn ?
“Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi. Mồ côi tội lắm ai ơi ,đói cơm khát nước biết người nào lo”.
(Bài hát “ơn nghĩa sinh thành”)
May mắn thay, hạnh phúc thay cho những ai đang còn mẹ, còn cha, hảy vui lên đi anh, hảy vui lên đi em hảy nhận lấy 1 đóa hoa hồng tươi thắm và trân trọng cài lên ngực áo mình, nơi trái tim đang rộn ràng vỗ nhịp, Đóa hoa của tình thương, đóa hoa của hạnh phúc, đóa hoa của sự kết tinh từ bao nhọc nhằn gian khổ và hy sinh của đời mẹ, và hãy tự hứa với lòng mình phải sống làm sao cho cánh hoa đừng tàn, màu hoa đừng phai. Đừng phụ lòng thương mến của mẹ cha.
(Bài hát: Bông hồng cài áo)
Nhưng than ôi, bóng xế chiều tà cuộc đời vốn dĩ khổ đau bởi sự chi phối của định luật vô thường dẫu chúng ta vẩn hằng mong muốn đời đời kiếp kiếp được sống trong vòng tay diụ hiền, trong lời ru ngọt ngào của mẹ. nhưng một ngày nào đó mẹ đả ra đi, mẹ không còn nữa, niềm diễn hạnh của con chợt tắt, cơn nắng chiều hiu hắt, làn gió chiều se lạnh con cảm nhận sự trống vắng đến nỗi bơ vơ.
Nói về nỗi đau này. Hòa thượng Quảng Độ đả viết nên mấy vần thơ đầm đìa nước mắt:
“ Từ khi tôi còn bé
Mẹ tôi đả qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận kẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi
Hoàng hôn đổ trên mộ
Chuông chiều nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời”
Ôi đau đớn thay, ngận ngùi thay cho những ai không còn mẹ ở trên đời, Hởi này anh, này chị, này em dẫu chúng ta không muốn, ngàn lần không muốn nhưng định luật vô thường nào ai ngăn nổi. Một ngày nào đó bạn hoặc tôi phải sống trong cảnh bầu trời âm u mây che núi Tỵ,tuyết phủ nhà Huyên. Hãy nhận đi anh, hãy nhận đi em một đóa hồng trắng tinh khôi và thanh khiết để cài lên ngực áo của mình, ở nơi đó là hóa thân của cha, hóa thân của mẹ, là niềm yêu thương siêu diệu, là nguồn suối từ không bao giờ khô cạn mải mải êm trôi vào cỏi vĩnh hằng để còn đọng lại nơi trái tim ta nguồn yêu thương bất tận sống mãi với thời gian.
(Để niệm ân sâu sắc hai đấng sinh thành.Trong giờ phút trang nghiêm này,chúng con thành kính cung thỉnh: …………………………………………………………………
Lên dâng đóa hoa hồng vàng thể hiện niềm hiếu hạnh trong sự thanh cao thoát tục.
Trân trọng kính mời và thân ái mời :…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….lên dâng những đóa hoa hồng theo cảm nhận của lòng mình lên đài hoa hiếu hạnh.
Trong niềm cảm xúc vô biên, chúng con thành kính cung thỉnh chư Tôn đức và kính mời quý cô bác, anh chi và các em hảy cài lên ngực áo của mình những đóa hoa tròn đầy ý nghĩa để bày tỏ lòng niệm ân sâu sắc về hai đâng sinh thành.)
Kính bạch chư Tôn đức !
Kính thưa quý cô bác, quý anh chị. Cùng các bạn và các em thân mến!
Thật vui sướng biết bao, hạnh phúc biết chừng nào khi cài lên ngực của mình đóa hồng tươi thắm giữa ngày hội hiếu ngập tràn hương sắc Vu lan.
Ôi ! đóa hồng thắm tươi là biểu tượng hạnh phúc vô biên của những ai đang còn mẹ. vì mẹ là niềm tin, là ánh sáng, là dòng sữa ngọt ngào, là suối từ dịu mát tằm tươi, dắt dìu con đi qua muôn vạn nẽo đường
Tình mẹ hơn biển cả bao la, Ân cha hơn núi cao biển rộng.Càng sung sướng hạnh phúc được sống trong tình thương của mẹ, của cha. Chúng ta càng cảm nhận sâu sắc về công ân cao dày của cha của mẹ để sống tu học và làm việc sao cho xứng đáng là người con hiếu thảo, người học trò giỏi, người phật tử chân chánh, người công dân mẫu mực đó là sự tri ân, niệm ân và báo ân có ý nghĩa và có thể đền đáp trong muôn một công ân sâu dày của cha mẹ
Thưa các anh chị cùng các em thân mến trong lúc chúng ta những ai đang vô cùng hạnh phúc với nụ hồng tươi nở trên ngực áo của mình thì quanh ta còn biết bao người, đặc biệt là các em nhỏ đang rưng rưng nước mắt ngận ngùi cài lên ngực áo màu hoa trắng tang thương với miền khổ đau mất mẹ
(Bài thơ: Thu trắng TG Tâm Bôi hoặc bài hát: Tâm sự người cài hoa trắng)
Chúng ta nghĩ gì và chúng ta phải làm gì cho ai đó được vơi đi phần nào khổ đau, buồn tủi.
Với tất cả tấm lòng thành kính vô biên , chúng con xin được cái lên ngực áo của mình, nơi trái tim đang rộn ràng vỗ nhịp yêu thương những đóa hoa niệm ân. Xin chúc mừng những ai với bông hoa hồng thăm tươi màu hạnh phúc và thành thật chia sẻ một chút se lòng nơi những đóa hoa trắng xót xa giữa mùa Vu Lan hiếu hạnh.
Nam mô Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát ma ha tát.
Tâm Bôi Trần Trọng Ánh